I. MỞ ĐẦU

Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia EAN quốc tế nhằm đưa công nghệ mã số mã vạch (MSMV) vào ứng dụng ở nước ta . Từ 2005, EAN quốc tế đã đổi tên thành GS1 với mục tiêu mới hướng tới một giải pháp toàn cầu (One Global Solution), một hệ thống toàn cầu (One Global System) và một tiêu chuẩn toàn cầu (One Global Standard).

Từ năm 2005, theo yêu cầu chung về đổi mới tên và cơ cấu, nội dung hoạt động của tổ chức, EAN Việt Nam được đổi tên thành GS1 Việt Nam và nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức cũng như bổ sung các nội dung hoạt động, để phù hợp với mục tiêu toàn cầu của Tổ chức GS1 quốc tế. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng là một trong các nội dung của việc hoạt động đổi mới nêu trên.

Từ đó đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nay là Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ MSMV vào Việt Nam và quản lý thống nhất hoạt động MSMV. Căn cứ theo Quyết định 08/2019/QĐ-TTg ngày 15/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ngày 22/4/2019 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành quyết định số 689/QĐ-TĐC về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia với mục tiêu thúc đẩy mạnh hoạt động mã số mã vạch trên tất cả các lịnh vực đáp ứng với nhu cầu của xã hội cũng như hòa nhập với sự phát triển của toàn cầu.

II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

2.1 Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1)

Năm 1970, MSMV được đưa vào áp dụng lần đầu tiên tại một cửa hàng tự chọn ở Mỹ, giúp nhận dạng vật phẩm và tính tiền một cách nhanh chóng, chính xác và đã đem lại hiệu quả cao.

Năm 1973, một tổ chức MSMV đầu tiên đã được thành lập, có tên gọi là Hội đồng mã thống nhất UCC (viết tắt của tên tiếng Anh là Uniform Code Council), nhằm tiêu chuẩn hóa và phổ biến áp dụng MSMV trong đa ngành công nghiệp tại Mỹ và Canađa. Tuy nhiên, mã số do tổ chức UCC quy định chỉ có thể giúp nhận dạng vật phẩm và cơ sở sản xuất kinh doanh vật phẩm, không xác định được nguồn gốc quốc gia nơi sản xuất ra vật phẩm.

Năm 1977, do nhu cầu thực tế buôn bán và giao nhận sản phẩm hàng hóa, một tổ chức khu vực mới đã ra đời, đó là Hội mã số vật phẩm Châu Âu, có tên viết tắt là EAN (Erropean Article Numbering Association), với các sáng lập viên đầu tiên từ mười hai nước thuộc Châu Âu. Họ đã nghiên cứu cải tiến mã sản phẩm đa năng của tổ chức UCC (UPC- Universal Product Code) và thiết lập Hệ thống mã số vật phẩm EAN của Châu Âu. Hệ thống mã số EAN sau đó được chấp nhận rộng rãi trong nhiều quốc gia, không chỉ trong khuôn khổ khu vực Châu Âu, nên năm từ 1984 tổ chức EAN trở thành hệ thống quốc tế, có tên gọi là EAN quốc tế (EAN International).

EAN quốc tế là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích chính là đẩy mạnh áp dụng hệ thống EAN trên toàn cầu, trong tất cả các ngành kinh tế xã hội để phân định một cách đơn nhất và rõ ràng sản phẩm, dịch vụ, địa điểm và dữ liệu, nhằm cung cấp ngôn ngữ chung cho thương mại quốc tế.

EAN quốc tế là tổ chức tập hợp các tổ chức MSMV quốc gia (EAN quốc gia) ở các nước trên thế giới. Các hoạt động triển khai áp dụng hệ thống EAN được tiến hành thông qua các tổ chức EAN quốc gia. Ngày nay, sau gần ba mươi năm hoạt động, EAN là một cộng đồng quốc tế với các thành viên là các tổ chức EAN quốc gia tại hơn 100 nước.

Từ năm 2000, để đảm bảo hoà nhập, thống nhất sử dụng tiêu chuẩn mã số mã vạch trong khuôn khổ toàn cầu, EAN quốc tế đã triển khai chương trình hợp nhất với tổ chức UCC ở mọi trình độ kỹ thuật, thống nhất các tiêu chuẩn về mã số, về vật mang dữ liệu là mã vạch cũng như các tiêu chuẩn về gói tin trao đổi dữ liệu điện tử EDI (Electronic Data Interchange).

Nhờ kết quả của chương trình hợp nhất nêu trên, từ tháng 2 năm 2005, EAN quốc tế đã kết hợp cả Mỹ và Canada để trở thành một hệ thống thực sự mang tính chất toàn cầu và đã đổi tên thành GS1. Cho đến nay, hệ thống MSMV và các tiêu chuẩn thương mại của GS1 đang là công cụ phục vụ cho việc phân định và thu thập, trao đổi thông tin kinh doanh của hơn 1.000.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới, thuộc đủ các ngành kinh tế, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm và nước giải khát tới giao thông vận tải, y tế, an ninh quốc phòng v.v.

Trong gần bốn mươi năm qua, cộng đồng GS1 đã tiến những bước dài, đã tạo nên cơ cấu tổ chức cần thiết để phục vụ các doanh nghiệp tốt hơn trong thế kỷ tới. GS1 đã có một vị trí chủ chốt cho phép có được sự tiếp cận rộng lớn hơn và nhiều động lực hơn trong khuynh hướng toàn cầu về tiêu chuẩn hóa, xây dựng và định hình một mạng thông tin thương mại toàn cầu.

2.2 Tổ chức MSMV Việt Nam (GS1 Việt Nam)

GS1 Việt Nam là tổ chức MSMV quốc gia của Việt Nam, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, được công nhận là thành viên chính thức của GS1 quốc tế từ tháng 5/1995 và được cấp đầu mã số quốc gia GS1 là 893.

GS1 Việt Nam là tổ chức đại diện duy nhất của Việt Nam tại GS1 quốc tế; đại diện cho GS1 để triển khai Hệ thống GS1 tại Việt Nam. GS1 Việt Nam quản lý ngân hàng mã quốc gia 893, cấp mã doanh nghiệp và giúp các nhà sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các tổ chức quan tâm khác áp dụng công nghệ MSMV trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ của mình, cũng như ứng dụng MSMV cho trao đổi dữ liệu bằng điện tử (EDI).

Hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động MSMV được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và nội dung quản lý nhà nước được tuân thủ theo Quyết định số 45/2002/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 27/3/2002 “Về việc qui định nội dung quản lý nhà nước về MSMV và cơ quan quản lý nhà nước về MSMV”, Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý MSMV và Nghị định số74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ”

Hệ thống GS1 có thể chia làm năm nhóm tiêu chuẩn chính như sau:

1) Tiêu chuẩn về các loại mã số;

2) Tiêu chuẩn về các loại mã vạch;

3) Tiêu chuẩn về các gói tin điện tử;

4) Tiêu chuẩn về các mạng toàn cầu (global networks);

5) Tiêu chuẩn về thương mại qua điện thoại di động (Mobile Commerce).

 

25/04/2016

DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG

Đối với các truy vấn và câu hỏi nhanh, vui lòng liên hệ bộ phận trợ giúp dịch vụ khách hàng của chúng tôi hoặc gọi 1900636218

LIÊN HỆ BIÊN TẬP

  • Email: msmv@nbc.gov.vn
Back to Top
Weather icon
HÀ NỘI 26°C69%
128M Shares