Chia sẻ kinh nghiệm triển khai truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy Ninh Bình

Ngày đăng : 02-12-2023

Ngày 1/12/2023, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình.

Thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” và Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống  truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã giao cho Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia là cơ quan thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc để  xây dựng Mô hình áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Bình triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, ông Trịnh Đình Thể - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng sự góp mặt của gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, đại diện các đơn vị thụ hưởng nhiệm vụ do Sở Khoa học và công nghệ triển khai.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị này đã đào tạo, hướng dẫn sử dụng, theo dõi cập nhật dữ liệu, vận hành, kiểm tra, giám sát hệ thống TXNG NBC-TRACE tại 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Đại Long; Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Linh Phương; Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình - Chi nhánh số 01. Các sản phẩm cơm cháy  của các doanh nghiệp được TXNG, ngoài việc giúp minh bạch các thông tin về quá trình sản xuất, từ đó củng cố niềm tin và đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm, một hệ thống TXNG phù hợp và chuẩn hóa còn là tấm giấy thông hành đưa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình tiến tới tiếp cận nhiều hơn nữa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng cung cấp lớn, mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao năng lực quản lý tổng thể, kiểm soát từng nút thắt trên toàn bộ chuối cung ứng.

Việc đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng sẽ giúp tăng cường quảng bá sản phẩm này gắn liền hơn nữa với du lịch, đó chính là lợi ích và là cơ sở trong việc tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao vị thế, hình ảnh, thương hiệu của cơm cháy Ninh Bình thông qua TXNG.

Cũng theo đại diện của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, cùng với việc triển khai xây dựng hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm cơm cháy, việc quảng bá về mô hình cần được đẩy mạnh để nhân rộng các mô hình TXNG theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Đại diện Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Đại Long, chị Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ thực hiện TXNG cho sản phẩm cơm cháy đã giúp đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

“ Khi nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động TXNG được đào tạo sử dụng hệ thống, cập nhật, theo dõi dữ liệu và sử dụng hệ thống TXNG NBC-TRACE tại doanh nghiệp để có thể có năng lực trực tiếp thực hiện công việc liên quan. Điều này giúp cho doanh nghiệp quản lý được cả quá trình sản xuất  từ nguyên liệu đầu vào, sơ chế, chế biến đến đóng gói sản phẩm từ đó kiểm soát được cả chuỗi cung ứng. Phần mềm dễ tiếp cận và khai báo, cập nhật thông tin”, đại diện Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Đại Long cho biết.

Đề cập đến tính khả thi của các mô hình áp dụng triển khai TXNG, theo đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, các mô hình điểm đều có khả năng nhân rộng cho các đơn vị khác và được triển khai đạt các hiệu quả như: Chuỗi cung ứng đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố; Sản phẩm được lựa chọn ưu tiên nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến phong trào sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Đơn vị sản xuất cũng đã đạt được chứng nhận theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và các chứng nhận hợp chuẩn hợp quy khác. Ngoài ra, đây đều là các doanh nghiệp nhiệt tình và quyết tâm tham gia truy xuất nguồn gốc, có năng lực nhất định về sử dụng và đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin.

Hiện, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cũng đang tham gia xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động TXNG và chủ động phối hợp với đầu mối Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành theo kế hoạch của Đề án 100 hướng đến mục tiêu đáp ứng quyền được sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, môi trường minh bạch cho doanh nghiệp và công cụ quản lý hiệu quả cho các cấp quản lý. Cụ thể như: xây dựng sổ tay, tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn áp dụng, quảng bá giới thiệu hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các địa phương và doanh nghiệp; phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực tại địa phương.

B. Anh

Bình luận

Bình luận không thành công, Bạn chưa xác thực Captcha.

Back to Top
Weather icon
HÀ NỘI 30°C86%
128M Shares