Ngày đăng : 10-12-2020
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia phát biểu tại hội thảo
Tham dự có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã cố Mã vạch Quốc gia; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các huyện, thành phố.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Thủy đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố triển khai Đề án 100 và chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Sơn La phải gắn với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và chương trình, mục tiêu quốc gia; việc truy xuất phải được đưa chung vào Cổng thông tin truy xuất của tỉnh, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia sẽ là đơn vị đồng hành, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ và có chỉ đạo chuyên môn, định hướng cụ thể cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về Đề án 100 về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; định hướng quản lý truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam theo Đề án 100; giới thiệu chương trình năng suất chất lượng theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; thực trạng truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, kinh nghiệm tại một số địa phương; giới thiệu về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, mô hình cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng trao đổi chỉ ra những khó khăn về kinh phí, các thủ tục… trong quá trình thực hiện triển khai gắn mã số mã vạch trên các sản phẩm.
Thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai hỗ trợ tem điện tử thông minh cho trên 100 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Riêng năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 800.000 tem cho 40 HTX trên địa bàn. Từ việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường thuận lợi hơn. Chỉ tính sản lượng nông sản an toàn mà các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Sơn La cung cấp vào thị trường Hà Nội, trung bình mỗi năm khoảng 75.000 tấn.
Thanh Uyên
Bình luận