Ngày đăng : 06-08-2024
Nhiều lợi ích xen lẫn thách thức
Từ năm 2017, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm TE-FOOD. Ðây là một giải pháp công nghệ chuỗi khối (blockchain) tiên tiến, cho phép người tiêu dùng theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ trang trại đến điểm bán lẻ. Trong giai đoạn đầu, VISSAN kiểm soát rất chặt chẽ từ việc chọn lọc nguồn nguyên liệu tại các trang trại đạt chuẩn.
Tại trang trại, TE-FOOD cho phép theo dõi toàn bộ quá trình chăn nuôi; từ việc xác định giống, quy trình chăm sóc, nguồn thức ăn, đến tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Mỗi con heo đều được gắn mã QR riêng biệt, lưu trữ toàn bộ thông tin về lý lịch, tình trạng sức khỏe và quá trình tiêm chủng. Tiếp đó, khi vật nuôi được vận chuyển từ trang trại đến cơ sở giết mổ, TE-FOOD sẽ theo dõi toàn bộ quá trình này.
Tại cơ sở giết mổ của VISSAN, quy trình giết mổ cũng được quản lý nghiêm ngặt. TE-FOOD sẽ ghi lại thông tin từ khi vật nuôi được tiếp nhận đến khi hoàn thành việc giết mổ; cả quá trình lưu trữ và vận chuyển tiếp theo đều tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Tại các điểm bán lẻ, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng TE-FOOD để quét mã QR trên sản phẩm; truy cập thông tin về nguồn gốc, quy trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và các tiêu chuẩn an toàn sẽ được hiển thị, minh bạch và rõ ràng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VISSAN Nguyễn Phúc Khoa cho biết: Hệ thống TE-FOOD giúp VISSAN giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất, vận chuyển, đến tay người tiêu dùng; đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Việc áp dụng TE-FOOD là yếu tố quyết định giúp VISSAN tạo dựng niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng về nguồn gốc rõ ràng và chất lượng của sản phẩm; đồng thời, nâng cao giá trị thương hiệu. Với TE-FOOD, VISSAN không chỉ gia tăng tính minh bạch mà còn giúp giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm, tỷ lệ sản phẩm không đạt chuẩn của VISSAN đã giảm đáng kể…
Ở lĩnh vực bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa. Từ tháng 3/2024, Saigon Co.op đã ký kết với 23 nhà cung cấp và vận động các nhà cung cấp khác tham gia chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm); cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững, bảo đảm sức khỏe tốt cho người tiêu dùng…
Các bên cam kết tự nâng cao trách nhiệm kiểm soát; không sản xuất, phân phối hoặc chuyển giao bất kỳ sản phẩm không an toàn; kiểm soát chặt chẽ sản phẩm trước khi được đưa vào hệ thống phân phối hoặc người tiêu dùng về chất lượng, đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm; công khai, trung thực, minh bạch địa điểm sản xuất, vùng trồng để người tiêu dùng và các bên tham gia chủ động giám sát quy trình và chất lượng sản phẩm…
Tại hệ thống phân phối của Saigon Co.op, các sản phẩm tham gia “Tick xanh trách nhiệm” sẽ được dán “Tick xanh”; trên bảng giá cũng có “Tick xanh” để người tiêu dùng dễ nhận diện… Cuối tháng 9/2024, Saigon Co.op đã công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm của riêng mình. Tại đây, Saigon Co.op đã ký biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc này nhằm tăng cường kiểm soát đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa được kinh doanh tại các chuỗi phân phối của Saigon Co.op.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thách thức lớn nhất khi tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” là việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi. Vì vậy, Saigon Co.op phải liên tục cập nhật và áp dụng các công nghệ kiểm tra mới; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các nhà cung cấp và cơ quan chức năng.
Saigon Co.op cũng chủ động làm việc, khuyến khích các đối tác kinh doanh cùng tham gia và triển khai; việc này sẽ giúp các bên đều có lợi. Chủ tịch Hội đồng quản trị VISSAN Nguyễn Phúc Khoa cho biết: VISSAN đã phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đào tạo nhân lực để có thể triển khai hệ thống TE-FOOD một cách hiệu quả, bảo đảm tính nhất quán và minh bạch trong suốt quá trình truy xuất. Ðiều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ phận nội bộ, các đối tác, nhà cung cấp, các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng.
Theo ông Khoa, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm cần áp dụng các giải pháp, công nghệ truy xuất nguồn gốc rộng rãi hơn. Muốn vậy, các bên liên quan cần tăng cường hợp tác công-tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ðây không chỉ là cách để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật mà còn là cơ hội để nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, thương hiệu và sự tin tưởng từ người tiêu dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương, thành phố sẽ không thể đủ nhân lực nếu chỉ làm theo cách cũ là đi thanh tra, kiểm tra mà cần phải áp dụng các thành tựu công nghệ cao vào công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường liên kết và áp dụng công nghệ cao cho công tác quản lý chất lượng thực phẩm và quy trình thu hồi sản phẩm.
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp các bên liên quan để xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Sau khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết sẽ được xem xét đánh dấu “Tick xanh” và được hỗ trợ, ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ thiết lập website để kiểm tra những sản phẩm, đơn vị nào có “Tick xanh” hay không. Ngoài ra, Sở Công thương cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm để đủ sức răn đe. Những sản phẩm vi phạm sẽ bị loại khỏi hệ thống phân phối cho dù có “Tick xanh”. Ðịnh hướng chính sách của thành phố là ưu tiên sản phẩm đạt chất lượng, nói không với sản phẩm kém chất lượng, tất cả hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ đều có logo “Tick xanh”. Trong đó, nhà cung cấp tự giác, nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phát hiện và tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến người tiêu dùng.
Hoàng Liêm
Bình luận