Ngày đăng : 12-10-2023
Theo các quy định trong các luật của EU, “truy xuất nguồn gốc” có nghĩa là khả năng theo dõi bất kỳ loại thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, động vật hoặc chất sản xuất thực phẩm nào sẽ được sử dụng để tiêu thụ, thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Những nội dung cơ bản cần triển khai khi áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với một số thực phẩm xuất sang Châu Âu, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có được một công cụ hữu ích nhằm phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất – nhập khẩu.
Sử dụng vật mang dữ liệu và các mã truy vết
Hiện nay, EU chưa quy định cụ thể vật mang dữ liệu bắt buộc sử dụng cho truy xuất nguồn gốc mà chỉ khuyến nghị sử dụng mã vạch GS1 – Tổ chức Mã số mã vạch toàn cầu, trong đó ưu tiên sử dụng GS1 DataMatrix.
Các mã truy vết của GS1 cung cấp sự định danh cần thiết cho các mảnh vườn, vùng canh tác, các lô/mẻ của từng loại cây trồng. Đối với nông nghiệp thông minh, các mã truy vết của GS1 kết hợp với các cảm biến có liên quan tạo ra mạng lưới IoT phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Nhờ vậy mà hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể đem lại những giá trị sau: Cung cấp những thông tin chi tiết về lịch trang trại trước khi vụ mùa được chuyển thành sản phẩm cuối cùng; Dữ liệu cảm biến tổng hợp khám phá khả năng của cánh đồng để sản xuất cây trồng và thực phẩm chất lượng thông qua dữ liệu cảm biến tổng hợp; Biện minh cho sự tập trung vào môi trường của nông dân vì dữ liệu IoT chứng minh sự cần thiết của một số ứng dụng trang trại nhất định; Phát huy lợi thế thực phẩm sản xuất trong khu vực; Tạo cơ hội tiềm năng cho các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số sáng tạo thông qua giao tiếp trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông dân, và hợp tác xã;
Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có khả năng chia sẻ thông tin cho các bên tham gia và cung cấp khả năng giám sát hoàn toàn các sự kiện bắt đầu từ ngày gieo trồng của vụ mùa đến các sự kiện kết thúc của vòng đời sản phẩm. Nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc mà doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.
Mã số địa điểm toàn cầu GLN (hoặc SGLN) được sử dụng làm mã truy vết địa điểm để định đanh đơn nhất cho lô/thửa.
Mã số sản phẩm toàn cầu GTIN (hoặc LGTIN) được sử dụng làm mã truy vết sản phẩm để định danh đơn nhất cho từng loại cây trồng và lô/mẻ cụ thể của nó khi được sản xuất;
Mã số toàn cầu phân định tài sản riêng GIAI được sử dụng làm mã truy vết tài sản để định danh đơn nhất các vật dụng, cảm biến...đang sử dụng trong quá trình sản xuất.
Để lưu trữ và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc, hệ thống sử dụng cơ sở dữ liệu sự kiện với tiêu chuẩn dịch vụ thông tin mã điện tử sản phẩm (EPCIS). EPCIS là tiêu chuẩn GS1 cho phép các bên tham gia chia sẻ thông tin về chuyển động vật lý và trạng thái của sản phẩm khi chúng di chuyển trong toàn bộ chuỗi cung ứng - từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác và cuối cùng là đến người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này giúp trả lời các câu hỏi 5W gồm “cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao” để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cơ quan quản lý về thông tin sản phẩm chính xác và chi tiết.
Mô hình sử dụng EPCIS trong hệ thống truy xuất nguồn gốc
Tuân thủ quy định về pháp lý
Luật Thực phẩm chung của EU có hiệu lực vào năm 2002 và quy định việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Trong nội dung của Luật yêu cầu tất cả các nhà khai thác thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thực hiện các hệ thống truy xuất nguồn gốc đặc biệt. Các bên tham gia bắt buộc phải có khả năng xác định sản phẩm của họ đến từ đâu và sẽ đi đâu và nhanh chóng cung cấp thông tin này cho các cơ quan có thẩm quyền. EU đã công bố các hướng dẫn (có sẵn trên trang web của Ủy ban Châu Âu) yêu cầu các doanh nghiệp ghi lại tên và địa chỉ của nhà cung cấp và khách hàng trong từng trường hợp, cũng như bản chất của sản phẩm và ngày giao hàng. Đơn vị vận hành cũng được khuyến khích lưu giữ thông tin về khối lượng hoặc số lượng của sản phẩm, số lô nếu có và mô tả chi tiết hơn về sản phẩm, chẳng hạn như sản phẩm đó là nguyên liệu thô hay đã qua chế biến.
Ngoài các yêu cầu chung, luật cụ thể theo ngành áp dụng cho một số loại sản phẩm thực phẩm (rau quả, thịt bò, cá, mật ong, dầu ô liu) để người tiêu dùng có thể xác định nguồn gốc và tính xác thực của chúng. Ngoài ra còn có các quy tắc truy xuất nguồn gốc đặc biệt đối với các sinh vật biến đổi gen (GMO), đảm bảo rằng hàm lượng biến đổi gen (GM) trong sản phẩm có thể được truy xuất và yêu cầu ghi nhãn chính xác để người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Đối với động vật, giờ đây các nhà sản xuất phải “gắn nhãn” cho từng con với các dữ liệu về nguồn gốc của chúng và khi động vật được đưa đi giết mổ, hãy đóng dấu mã truy xuất nguồn gốc của lò mổ. Các công cụ được sử dụng (thẻ đeo tai, hộ chiếu, mã vạch) có thể khác nhau giữa các quốc gia nhưng phải mang cùng một thông tin.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đáp ứng các điều kiện nào?
Chuỗi sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thường bao gồm nhiều bước, từ nhập khẩu hoặc sản xuất sơ bộ sản phẩm đến bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Ở mọi giai đoạn, các doanh nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên và EU đã xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm và cần có phản ứng thích hợp khi nhận diện được rủi ro.
Đơn vị điều hành phải đảm bảo ở tất cả các giai đoạn thu gom, vận chuyển, xử lý, chuyển đổi, chế biến, bảo quản, đưa ra thị trường, phân phối, sử dụng và tiêu hủy trong phạm vi kinh doanh mà mình kiểm soát rằng phụ phẩm và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật đáp ứng các yêu cầu của Quy định EU có liên quan đến hoạt động của họ.
Các quốc gia thành viên của EU sẽ giám sát và xác minh rằng các yêu cầu liên quan của Quy định này được đáp ứng bởi các bên liên quan trên toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, thông thường họ sẽ duy trì một hệ thống kiểm soát chính thức phù hợp với pháp luật có liên quan của Cộng đồng EU.
Một số thông tin bắt buộc cần lưu ý
Đối với bên sản xuất:
Phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm các thông tin về tên nhà sản xuất, tên thương mại đã đăng ký hoặc nhãn hiệu thương mại đã đăng ký và địa chỉ liên lạc, và hoặc trên bao bì hoặc trong tài liệu đi kèm với sản phẩm.
Địa chỉ phải biểu thị một điểm duy nhất có thể liên lạc với nhà sản xuất.
Các chi tiết liên lạc sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu với những người dùng cuối và các cơ quan giám sát thị trường.
Đối với bên nhập khẩu:
Phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm các thông tin về tên bên nhập khẩu, tên thương mại đã đăng ký hoặc nhãn hiệu thương mại đã đăng ký và địa chỉ liên lạc, và hoặc trên bao bì hoặc trong tài liệu đi kèm với thiết bị.
Các chi tiết liên lạc sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu với những người dùng cuối và các cơ quan giám sát thị trường.
Bên nhập khẩu sẽ được coi như bên sản xuất và phải tuân theo các nghĩa vụ cho bên sản xuất, khi bên nhập khẩu đưa sản phẩm ra thị trường dưới tên hoặc nhãn hiệu thương mại của mình hoặc thay đổi sản phẩm đã được đưa ra thị trường theo cách thức mô tả sản phẩm có thể bị ảnh hưởng.
Đối với bên phân phối:
Khi đưa sản phẩm ra thị trường, mọi nhà nhập khẩu phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm các thông tin về tên của bên phân phối, tên thương mại đã đăng ký hoặc nhãn hiệu thương mại đã đăng ký và địa chỉ liên lạc.
Các trường hợp ngoại lệ nên được dự phòng trong các trường hợp kích thước hoặc trạng thái của sản phẩm không cho phép. Điều này bao gồm các trường hợp nhà nhập khẩu phải mở bao bì để ghi tên và địa chỉ của mình lên sản phẩm.
Bên phân phối sẽ được coi là nhà sản xuất và phải tuân theo các nghĩa vụ cho bên sản xuất, khi bên phân phối đưa sản phẩm ra thị trường dưới tên hoặc nhãn hiệu thương mại của mình hoặc thay đổi sản phẩm đã được đưa ra thị trường theo cách thức mô tả sản phẩm có thể bị ảnh hưởng.
Đối với thông tin tên và địa chỉ:
Tên và địa chỉ của bên liên quan bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm; Trừ trường hợp có chứng minh việc thể hiện là không thể trong điều kiện kinh tế và kỹ thuật hợp lý;
Địa chỉ phải chỉ ra một địa điểm duy nhất có thể liên lạc được với bên sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho các cơ quan giám sát thị trường. Và thông tin này bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm, và ngược lại trên nhãn sản phẩm chỉ được thể hiện duy nhất một địa điểm liên lạc. Điểm này không nhất thiết phải là địa chỉ nơi nhà sản xuất được thành lập trên thực tế. Ví dụ, địa chỉ này có thể là địa chỉ của đại diện được ủy quyền hoặc của các dịch vụ khách hàng.
Địa điểm liên lạc duy nhất không nhất thiết phải ở mọi quốc gia thành viên nơi sản phẩm được cung cấp.
Địa chỉ hoặc quốc gia không nhất thiết phải được dịch sang ngôn ngữ của quốc gia thành viên nơi sản phẩm được cung cấp trên thị trường nhưng các ký tự của ngôn ngữ được sử dụng phải cho phép xác định nguồn gốc và tên của công ty.
Thông thường, địa chỉ phải bao gồm tên đường và số nhà/số hộp thư, mã bưu điện và phường/thị trấn, nhưng một số quốc gia có thể khác với mô hình này.
Những yêu cầu nội dung áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường EU giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm quảng bá và tăng uy tín về chất lượng sản phẩm thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.Trong quá trình áp dụng những nội dung trên đây, những yêu cầu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc được đề cập đến chỉ là những sự kiện chính trong chuỗi cung ứng thực phẩm, trong thực tế tùy thuộc vào nhà sản xuất, doanh nghiệp với dây chuyền, công nghệ sản xuất từng loại thực phẩm mà thực hiện, áp dụng một cách linh hoạt.
Nguyễn Đắc Minh, Bùi Bá Chính, Phạm Xuân Thảo
Bình luận