Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp nâng cao giá trị nông sản

Ngày đăng : 12-09-2024

Truy xuất nguồn gốc nông sản được coi là một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung cầu. Đồng thời khẳng định chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh cơ bản được ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử.

Những năm qua, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được Chính phủ quan tâm, cụ thể hóa bằng các văn bản triển khai, hướng dẫn, áp dụng, quản lý  như Quyết định số 100 ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đi vào nền nếp theo một chuẩn mực chung. Theo đó, Bắc Ninh thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;  ban hành Quy chế quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Bắc Ninh và Kế hoạch số 242 ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025. Sự quan tâm cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, tổ sản xuất đẩy mạnh triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản, góp phần phát triển bền vững trong cả ba lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.

Với lợi thế chủ lực là cây khoai tây, nhiều năm qua, thị xã Quế Võ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng tầm giá trị của sản phẩm này qua việc cung cấp quy trình sản xuất thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần thao tác đơn giản thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh người tiêu dùng có thể kiểm tra những thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng của cây khoai tây... Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ cho biết: Việc ứng dụng mã QR cod trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông, lâm, thủy sản là một giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản qua các nền tảng số, tạo thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đây là cách làm mới của HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ đối với cây khoai tây, nhờ vậy mà sản phẩm do HTX sản xuất đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Công ty TNHH Hương Việt Sinh tại khu thực nghiệm Công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) đầu tư hơn 1 ha nhà lưới, 2.000 m2 nhà kính chống côn trùng và gần 4.000 m2 nhà màng điều khiển tự động bằng Smatphone. Công ty có hệ thống tưới theo công nghệ Isarel (phun sương, phun văng). Áp dụng công nghệ này, vừa phòng chống được sâu bệnh, không phải tưới nhiều nước, rau đảm bảo chất lượng, quá trình chăm sóc đều dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nông sản được bảo quản trong hệ thống nhà lạnh. Sản phẩm khi thu hoạch đều được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm. Từ khi được công nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho các sản phẩm của HTX được tháo gỡ, nông sản được nhiều cửa hàng, siêu thị, thương lái tìm đến đặt hàng đưa giá trị nông sản của doanh nghiệp cao hơn.

Vùng chuyên canh hơn 3ha trồng măng tây xanh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Măng tây xanh Tuấn Trang (Lương Tài) được quy hoạch và cấp mã số vùng trồng từ năm 2021. Nhờ chăm sóc măng tây xanh theo hướng hữu cơ, nên sản lượng, chất lượng măng tây luôn đảm bảo cho việc xuất khẩu. Hiện, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp thu hoạch khoảng 10 tấn, phần lớn nông sản ở đây được xuất khẩu sang Hàn Quốc, số còn lại được tiêu thụ thuận lợi trong các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Đây là kết quả từ việc thay đổi tư duy từ canh tác manh mún, lạc hậu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nông sản chất lượng, khách hàng có thể truy xuất về nguồn gốc, sản xuất, mức độ an toàn thực phẩm.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên, với tổng diện tích là 11.449ha; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên và có 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên; có 98 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất nông sản được cấp mã vùng trồng nội tiêu. Ngoài ra, toàn tỉnh có 670 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 173 hộ nuôi cá lồng trên sông và hơn 9.000 hộ nuôi trồng thủy sản trong ao. Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản tại các địa phương, sau những nỗ lực triển khai và nhân rộng mô hình tại các địa phương của tỉnh, các mô hình và phương thức sản xuất nông nghiệp mới này đã và đang mang lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Bắc Ninh chưa đồng đều, mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm, tại một số địa phương và thị trường lớn. Hầu hết các sản phẩm đều có mã vạch hoặc mã QR, nhưng phần lớn thông tin trong các mã đó chỉ đơn thuần là tên sản phẩm, nơi trồng, nơi đóng gói, mã lô nguyên liệu, cách sử dụng sản phẩm..., mà chưa có thông tin về chất lượng sản phẩm.

Những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua tại Bắc Ninh đã mang lại hiệu quả với nhiều loại nông sản, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh không ngừng được nâng cao và có sự chuyển biến mạnh về chất. Tuy nhiên, để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại và tạo ra những đột phá mới, thì việc có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu và cũng là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.
Thực tế, việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm góp phần mang lại nhiều giá trị. Yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, cộng với sự tác động của vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc nông sản phải thực sự được triển khai, ứng dụng bài bản, chặt chẽ và nghiêm túc. Điều này không chỉ giúp các HTX nông nghiệp, hộ sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ chính mình, mà còn giúp cơ quan Nhà nước thông qua tem QR code dễ dàng theo dõi, quản lý đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Hoàng Mai

 

Bình luận

Bình luận không thành công, Bạn chưa xác thực Captcha.

Back to Top
Weather icon
HÀ NỘI 24.01°C91%
128M Shares